Bí quyết phân tích cạnh tranh

Khi tìm cách tăng trưởng, một trong những công việc đầu tiên mà bạn phải làm là phân tích bức tranh toàn cảnh về cạnh tranh trên thị trường. Có sự hiểu biết tốt về tình hình cạnh tranh, doanh nghiệp mới có thể xác định và khai thác có hiệu quả các cơ hội. Dưới đây là những bí quyết và lời khuyên mà doanh nghiệp có thể sử dụng để thực hiện việc phân tích cạnh tranh.


1. Đóng vai khách hàng của đối thủ cạnh tranh. Khi đóng vai một khách hàng và đặt ra nhiều câu hỏi, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng có thể tìm hiểu được khả năng phục vụ khách hàng của các đối thủ cạnh tranh. Tất nhiên phải mua một thứ gì đó của họ. Việc mua hàng cũng là cách để có thêm những kinh nghiệm thật sự về sản phẩm và dịch vụ của đối thủ cạnh tranh.

2. Tìm hiểu thông tin về những người điều hành các doanh nghiệp đối thủ. Nên tìm hiểu thông tin càng nhiều càng tốt, người điều hành các doanh nghiệp đó ra sao, họ từng làm việc ở đâu, bề dày kinh nghiệm của họ như thế nào, điểm mạnh, điểm yếu của họ là gì… Những thông tin này sẽ giúp doanh nghiệp dự đoán những động thái, biến chuyển của các đối thủ cạnh tranh trên thị trường.

3. Mua cổ phiếu của các đối thủ cạnh tranh. Nếu doanh nghiệp đã, đang phải cạnh tranh với các công ty có niêm yết và bán cổ phiếu cho công chúng, nên xem xét và mua một ít cổ phiếu của các công ty đó. Bằng cách làm này, có thể thu thập được các thông tin, cập nhật về tình hình tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh và cả chiến lược của các đối thủ cạnh tranh.

4. Tìm hiểu từ khách hàng của các đối thủ cạnh tranh. Những thông tin mà doanh nghiệp nên tìm hiểu bao gồm: Tại sao các khách hàng lại mua hàng của đối thủ cạnh tranh, vì chất lượng sản phẩm cao, giá cả thấp, địa điểm giao hàng thuận lợi hay vì dịch vụ hỗ trợ khách hàng tốt? Khách hàng không hài lòng với sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp đó ở những điểm nào? Họ mong muốn doanh nghiệp đó mang đến cho họ những điều gì?

5. Sử dụng Internet. Một số dịch vụ trực tuyến cho phép tìm được khá nhiều thông tin về đối thủ cạnh tranh, nhất là các công ty lớn. Đa số dịch vụ tìm kiếm thông tin trên internet đều miễn phí, ngoại trừ những thông tin quan trọng thì phải trả phí sử dụng dịch vụ.

6. Sử dụng các kênh thông tin công cộng. Các doanh nghiệp thường phải cung cấp thông tin cho các cơ quan chính phủ khi thực hiện một số việc như chuẩn bị niêm yết trên thị trường chứng khoán, xin cấp phép xây dựng, đăng ký bản quyền sáng chế hay thương hiệu…Những thông tin như vậy thường bao gồm các mục tiêu, chiến lược và công nghệ của các doanh nghiệp nên có thể sử dụng để phân tích tình hình cạnh tranh trên thị trường.

7. Tham dự các hội nghị của ngành và các cuộc triển lãm thương mại. Đây là những sự kiện mà qua đó, các đối thủ cạnh tranh thường công khai khá nhiều thông tin về sản phẩm hay dịch vụ của họ. Nên tận dụng cơ hội tham gia vào các sự kiện đó để nắm bắt các thông tin về sản phẩm, chiến lược và các cách thức kinh doanh của các đối thủ cạnh tranh.

8. Đánh giá các mục tiêu của các đối thủ cạnh tranh. Một đối thủ cạnh tranh đang tìm cách mở rộng thị phần có thể chọn chiến lược giảm giá bán, trong khi công ty khác muốn tăng lợi nhuận lại cắt giảm chi phí. Nếu biết được mục tiêu của đối thủ cạnh tranh thì khả năng dự báo chính xác những chiến lược cạnh tranh của họ và tìm cách đối phó tốt hơn.

9. Dự báo tình hình cạnh tranh trong tương lai. Trong môi trường kinh doanh hiện nay, bức tranh về cạnh tranh không ngừng thay đổi. Một công ty không phải là đối thủ cạnh tranh trong hiện tại rất có thể trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong tương lai hơn. Vì vậy, cần phải dự báo trước những thay đổi về tình hình cạnh tranh.

10. Không nên giao phó việc theo đuổi cạnh tranh cho người khác. Một người chủ doanh nghiệp có thể giao phó việc tìm hiểu thông tin thị trường, phân tích tình hình kinh doanh cho người khác nhưng phải là người luôn đi đầu trong các nỗ lực nhằm đương đầu với cạnh tranh và đưa doanh nghiệp dẫn đầu cuộc đua.


Bài viết liên quan