Doanh nhân làm từ thiện Tâm hay Tiếng?

“Người Việt vốn coi trọng tình cảm. Nói như vậy không có nghĩa là người phương Tây thì không


8 thg 12, 2018 | Sự kiện từ Thiện

Làm từ thiện như một cách xây dựng thương hiệu đã trở thành xu thế chung của thế giới. Nhưng ở Việt Nam, dường như vẫn chưa hoàn toàn được công nhận.

Tôi trả lại cho xã hội những gì đã góp nhặt được từ xã hội, đó là phát biểu của Warren Buffett khi quyết định quyên tặng gần 4 tỉ USD cho 5 quỹ từ thiện. Trên lý thuyết thì quy luật người có giúp đỡ người thiếu thốn là chuyện đương nhiên, nhưng thực tế chuyện làm từ thiện của những người giỏi kinh doanh cũng muôn màu muôn vẻ.

40% đơn thuần làm từ thiện

Trên thế giới, chuyện làm từ thiện của doanh nhân gần như trở thành một ngành công nghiệp. Andrew Carnegle, Rockefller, Warren Buffett và đặc biệt là Bill Gates được nhắc đến không chỉ thành công trên thương trường mà còn vì những tấm lòng vàng. Bên cạnh việc xem làm từ thiện là nghĩa vụ đối với xã hội, doanh nghiệp cũng sớm nhận ra giá trị của nó trong việc marketing. Vì thế, tham gia hoạt động từ thiện như một công cụ làm thương hiệu đang trở nên phổ biến trên thế giới, đặc biệt là phương Tây.

Ở Việt Nam, việc làm từ thiện của doanh nhân ngày nay cũng đã có nhiều thay đổi. Người Việt có câu: “Lá lành đùm là rách”, làm từ thiện vì cảm thương kẻ khó hay vì hãnh diện là nhà hảo tâm, nhưng làm từ thiện gắn liền với làm thương hiệu cũng không còn quá xa lạ với doanh nghiệp Việt. Theo chị Phạm Thị Bảo Chinh, Trưởng bộ phận Gây quỹ của Saigon’s Children Charity, một quỹ từ thiện phi chính phủ hoạt động rất hiệu quả, trong số các doanh nghiệp làm từ thiện hiện nay có khoảng 40% đơn thuần chỉ làm từ thiện, 40% với mục đích marketing và 20% còn lại là cả hai lý do trên.

Phần lớn doanh nghiệp làm từ thiện với mục đích marketing là doanh nghiệp nước ngoài hoặc liên doanh. Đối với các doanh nghiệp hiện nay, tiêu biểu như HSBS, Unilever hay DHL, hoạt động từ thiện là một phần không thể thiếu trong kế họach marketing. Hàng năm, họ đều có chi phí riêng cho hoạt động này, với kế hoạch chi tiết, đồng bộ và hỗ trợ cho các hoạt động marketing khác. Họ còn có bộ phận chuyên phụ trách lĩnh vực này, làm việc chuyên nghiệp và nghiêm túc.

Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam còn chưa quen với cách làm này. Một khi quyết định làm từ thiện, họ thường có khuynh hướng hoàn toàn vì mục đích từ thiện, và mang tính chất cá nhân của người chủ doanh nghiệp nhiều hơn. Khởi nguồn của việc làm từ thiện này, thường xuất phát từ quan niệm riêng của mỗi doanh nhân. Có người vì lòng tin tôn giáo hoặc vì nguyên nhân khác, nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức nghĩa vụ với công đồng.

“Tôi là Phật tử, triết lý nhà Phật là các pháp vốn bình đẳng, ai may mắn hơn thì giúp người kém may mắn”, ông Lê Phước Vũ, Tổng Giám đốc công ty Cổ Phần Hoa Sen, chia sẻ. Tham gia khá nhiều hoạt động từ thiện nhưng ít khi nhắc đến những đóng góp đó, với ông làm từ thiện chung quy phải bắt đầu bằng hai chữ “đồng cảm” và cái tâm chân thật.

Không phải công, cũng không phải của mà là hiệu quả

20% doanh nghiệp Việt làm từ thiện với cả hai mục đích, con số cho thấy sự phân vân của doanh nghiệp Việt trước xu thế mới: một mặt là hiệu quả marketing của hoạt động từ thiện, còn mặt kia là cách nhìn nhận của xã hội. Cho đến nay, xã hội nói chung và công đồng doanh nghiệp nói riêng vẫn còn e dè trong việc công nhận từ thiện như một công cụ marketing.

Bên cạnh đó, dù không có ý định làm thương hiệu, nhưng bản thân hoạt động từ thiện cũng ít nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh của doanh nghiệp. Từ đó, một số doanh nghiệp làm từ thiện không công khai nhưng cũng không phủ nhận mục đích kinh doanh.

Tự nhận là người theo phe “thủ cựu”, chị Lưu Mỹ Chi, chủ một doanh nghiệp gỗ và là người rất nhiệt tình trong các hoạt động từ thiện, lý giải: “Người Việt vốn coi trọng tình cảm. Nói như vậy không có nghĩa là người phương Tây thì không, nhưng họ quen với lối tư duy thực tế, phân biệt rạch ròi công – tư trong cùng một hoạt động từ thiện. Nhưng đối với người Việt, nhìn nhận một nghĩa cử vốn đơn thuần vì tình cảm nay lại thêm mục đích kinh doanh xem chừng khá mới mẻ”.

Tuy nhiên, cũng đã có những cái nhìn tích cực và cởi mở hơn về xu hướng làm từ thiện với mục đích kinh doanh. “Tuy tôi không chọn con đường làm từ thiện đi cùng với làm thương hiệu, nhưng nếu xét đến mục đích cuối cùng là lợi ích mà xã hội nhận được thì nhiều doanh nghiệp chọn cách làm này hoàn toàn đáng hoan nghênh”, ông Lê Phước Vũ nói thêm. Và thực tế, ngày càng nhiều doanh nghiệp lựa chọn hướng đi mới. Theo họ, không thể đánh giá một hoạt động từ thiện dựa trên việc có hay không có mục đich kinh doanh mà quan trọng nhất là hiệu quả của nó.

Theo một phó giám đốc công ty vận chuyển nổi tiếng của Việt Nam, để đánh giá đóng góp của doanh nghiệp, cho xã hội không thể dựa vào “công hay của”, mà dựa vào hiệu quả. Và muốn làm từ thiện hiệu quả, trước hết phải rạch ròi. “Người nước ngoài nói lý hơn tình, nhưng khi hết tình thì lấy ra xài, thành một kiểu ban bố”, ông nói.

Mỗi doanh nghiệp đều có vài cái lý lẽ riêng và dù nhắm vào mục đích nào thì điểm đến cuối cùng vẫn là lợi ích cho xã hội. Thế nhưng, dường như người Việt vẫn quen nhìn từ thiện như là một nghĩa cử, một tấm lòng hơn là một công cụ. Bởi một lẽ, từ thiện không chỉ là một hoạt động xã hội, nó còn là một thứ văn hóa, người ta quen gọi vui là văn hóa cho và có lúc còn được nâng lên là nghệ thuật, nghệ thuật cho.

“Làm từ thiện để quảng bá thương hiệu, tốt thôi, nhưng đừng phô trương quá! Người ta vẫn xúc động trước những giỏ bánh chưng, bánh giò của các bà, các bà mẹ âm thầm gửi đến đồng bào miền Trung trong cơn lũ hơn là xem một cuộc đấu giá rình rang lấy tiền làm từ thiện. Miếng trầu đẹp cốt ở tay bưng, chứ không ở ít hay nhiều…”, nhà văn Lê Lựu, Giám đốc Trung Tâm Văn hóa doanh nhân Việt Nam, bộc bạch.