Toàn cầu hóa, có gì phải sợ!

Nói đến thuật từ “toàn cầu hóa”, không ít người liên tưởng đến sự bất công toàn cầu, đến những nghịch lý “kẻ ăn không hết, người lần không ra”. Tuy nhiên, toàn cầu hóa chẳng gớm ghiếc như thế. Nó là xu hướng tất yếu của thời đại. Không hội nhập vào “xa lộ cao tốc” toàn cầu hóa, chắc chắn tệ hơn thập phần!


Tất nhiên, có nhiều con số chứng minh cho sự bất ổn toàn cầu. Các nước nghèo đã mất khoảng 100 tỉ USD/năm bởi hàng rào mậu dịch từ nước giàu. Liên minh châu Âu (EU) vẫn còn trợ cấp ồ ạt cho nông dân của họ trong khi hơn 1/2 dân số thế giới phải nai lưng vật vã mưu sinh đong gạo từng bữa. 25 triệu nông dân trồng cà phê tại nhiều nước châu Á và Mỹ Latin hiện đối mặt phá sản bởi bị ép giá. Năm triệu nông dân trồng ngô tại Mexico đang chết đói bởi chính sách bảo hộ và phá giá của công nghiệp bắp Mỹ.

Tất cả thống kê trên tất nhiên là đúng. Tuy nhiên, bi kịch khoảng cách giàu nghèo đâu phải do toàn cầu hóa tạo ra. Phe chống toàn cầu hóa thật ra đã bỏ qua nhiều con số thống kê khác.

Tỉ lệ người dân tại các nước đang phát triển sống dưới 1 USD/ngày đã giảm 1/2 trong 20 năm qua. Tỉ lệ tuổi thọ tại các nước đang phát triển tăng gấp đôi kể từ sau Thế chiến thứ hai (nếu không đủ cơm ăn, thuốc chữa trị, làm sao có thể sống thọ hơn!). Tỉ lệ tử vong trẻ em tại các nước thế giới thứ ba cũng giảm.

Giữa thập niên 1960, tỉ lệ dân số thế giới sống tại những quốc gia có nguồn cung cấp thực phẩm đầu người dưới 2.200 calorie/ngày là 56%; đến thập niên 1990 chỉ còn dưới 10%. Tỉ lệ xóa mù chữ toàn cầu đã tăng từ 52% lên 81% từ 1950-1999 và tỉ lệ xóa mù chữ ở phái nữ tăng từ 59% năm 1970 lên 80% năm 2000.

Khuynh hướng tương tự cũng xảy ra đối với tỉ lệ đầu người sử dụng điện, xe hơi, radio, điện thoại, nước sạch, Internet, biết chữ... Toàn cầu hóa cũng đem ý niệm dân chủ hóa gần hơn với thực tế. Tỉ lệ người dân đi bầu toàn cầu đạt 62,5% vào năm 2000 so với 0% vào năm 1900. Các nhà nước cởi mở nhiều hơn trước.

“Kẻ đi nhanh làm thịt kẻ đi chậm”

Toàn cầu hóa có thể gói gọn trong hai từ: hội nhập và kết nối. Sống còn trong thế giới toàn cầu hóa chỉ là vấn đề của hội nhập như thế nào và kết nối ra sao.

Càng chậm hội nhập, càng có nguy cơ bị tống ra khỏi “không gian sống” trong một thế giới kết nối và liên thông, từ “phần cứng” (công cụ Internet là điển hình) đến “phần mềm” (chính sách).

Đó là một thế giới đang chuyển từ tư duy “cá lớn nuốt cá bé” trở thành quan niệm “kẻ đi nhanh làm thịt kẻ đi chậm” - như nhận xét của kinh tế gia Klaus Schwab (“The Lexus and The olive tree”, Thomas Friedman, trang 213). Và cũng chính Thomas Friedman cũng đã viết: càng mở cửa cho mậu dịch tự do và cạnh tranh, người ta càng nhanh đạt đến một nền kinh tế hiệu quả và thịnh vượng (sđd, trang 9).

Trong bài viết gần đây (Newsweek 1/5/2006), George Wehrfritz đã cho thấy tính linh hoạt trong ứng dụng của tư duy kinh tế tư bản thị, khi nêu ra nhiều công ty nhà nước thay mặt... nhà nước thực hiện các thương vụ hải ngoại như một phần thuộc chính sách kinh tế vĩ mô cấp quốc gia, chẳng hạn Công ty Dầu khí Nhà nước ChemChina (Trung Quốc) mua Drakker Holdings của Bỉ (nhà sản xuất thực phẩm vật nuôi lớn nhất châu Âu) cùng loạt công ty nước ngoài khác.

Temasek của Singapore là một ví dụ nữa. Công ty nhà nước này có cổ phần trong 12 ngân hàng nước ngoài (từ Mumbai đến London với trị giá 20 tỉ USD) và còn đầu tư vào viễn thông, hải cảng, hàng không, dược phẩm... khắp thế giới (người điều hành Temasek là Ho Ching - phu nhân Thủ tướng Lý Hiển Long)...

Người ta ca cẩm nhiều về thảm kịch “làm mọi cho Tây” ngay tại nơi chôn nhau cắt rốn trong thời toàn cầu hóa. Một lần nữa, điều này không sai nhưng xin nhớ rằng “Tây” cũng đem lại cơ hội lẫn giá trị kinh tế hữu hình cho kinh tế bản địa.

Trên Newsweek (số đúp ngày 15 và 22/5/2006), Emily Flynn Vencat đã nêu ra một ví dụ về hiện thân “toàn cầu hóa” của chiếc máy bay Boeing. Chiếc 787 Dreamliner có đôi cánh được kỹ sư Nhật chế tạo; Hàn Quốc bổ sung phần đầu cánh; Anh cung cấp động cơ Rolls-Royce; Ý và Mỹ đảm nhiệm phần thân...

Tổng cộng, 70% chiếc Boeing 787 Dreamliner (dự kiến có mặt thị trường năm 2008) hiện được chế tạo ngoài nước Mỹ.

Tư duy “làm mọi cho Tây” thật ra không mấy thuyết phục một khi thế giới đang sống trong xu hướng outsourcing (chuyển công việc trong nước ra nước ngoài, thuê người nước ngoài làm thay). Ở Anh, ngành y tế tập trung các mẫu bệnh phẩm (máu, nước tiểu...) không khẩn cấp cho lên máy bay gửi sang Mumbai (Ấn Độ) xét nghiệm cho giảm chi phí so với xét nghiệm ở Anh, kết quả có được trong vòng 24 giờ.

Nếu biết cách “đi nhanh”, một anh “ốc tiêu” cũng có giá trị của sức mạnh tương đương người khổng lồ. Đã qua rồi thời cá lớn nuốt cá bé. Trong bài viết Megaplayers Vs. Micropowers trên Foreign Policy (số tháng 7 và 8/2006), có nêu ví dụ trường hợp từ điển bách khoa Encyclopaedia Britannica đồ sộ và đầy uy tín học thuật và từ điển bách khoa trên mạng Wikipedia.

Britannica bây giờ bắt đầu mất thế trước Wikipedia chỉ mới năm tuổi. Kho thông tin Wikipedia hiện lớn gấp năm lần Britannica và nó có đến 229 ngôn ngữ với mức độ uy tín không kém (khảo sát gần đây của chuyên san khoa học Nature cho biết Wikipedia có 162 lỗi, chẳng nhiều hơn mấy so với 123 lỗi của Britannica).

Theo Diego Comin và Thomas Philippon thuộc Đại học New York, một công ty nằm ở top 20 năm 1980 có nguy cơ bị hạ bệ sau năm năm chỉ là 10%; đến năm 1998 tỉ lệ trên tăng hơn gấp đôi. BusinessWeek (31/7/2006) cũng nhắc đến nhiều công ty thuộc các nước đang phát triển (Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil...) đang bắt đầu chạy nhanh hơn và “xơi tái” nhiều anh khổng lồ bề thế đẳng cấp, chẳng hạn Embraer (Brazil) hiện đứng thứ ba thế giới về sản xuất máy bay dân dụng (chỉ thua Boeing và Airbus) hoặc Haier (Trung Quốc) hiện đứng thứ tư thế giới về thiết bị điện gia dụng (thương hiệu số một tại Mỹ về tủ lạnh nhỏ, số một thế giới về thiết bị làm lạnh rượu và thứ ba thế giới về tủ đông!).

Toàn cầu hóa phiên bản 3.0

Có thể nhấn mạnh rằng toàn cầu hóa là tầng nấc kế tiếp của phát triển thế giới. Chấp nhận nó là điều đương nhiên.

Như Thomas Friedman viết trong “The World Is Flat: A Brief History of the Twenty-First Century”, thế giới thế kỷ 21 đang tiến đến “toàn cầu hóa phiên bản 3.0”, trong đó nhiều rào cản, từ kinh tế đến dân chủ, tiếp tục bị tháo bỏ, tạo ra khái niệm một “thế giới phẳng”, và sự hội nhập càng lúc càng sâu hơn thông qua đàm phán mậu dịch và ngoại giao song-đa phương.

Tập đoàn siêu thị khổng lồ Mỹ Wal-Mart nhập số hàng trị giá 18 tỉ USD từ 5.000 nhà cung cấp Trung Quốc vào năm 2005 là một ví dụ đơn giản cho làn sóng “toàn cầu hóa phiên bản 3.0”.

Nghiên cứu từ Morgan Stanley cho biết từ giữa thập niên 1990, hàng nhập khẩu rẻ từ Trung Quốc đã giúp người tiêu dùng Mỹ tiết kiệm hơn 600 tỉ USD và có thể cứu sống nhiều công ty Mỹ từ khi họ dùng hàng Trung Quốc cho sản phẩm đầu cuối của mình.

Để có thể thắng trong sân chơi toàn cầu, như Friedman biện giải trong "The Lexus and The olive tree" (trang 246), việc bạn đứng ở đâu đã không còn là vấn đề; bạn là ai cũng không quan trọng nốt. Cốt lõi bây giờ là bạn là gì và “điều đó tùy thuộc vào việc sẵn lòng quyết định lựa chọn cho sự thịnh vượng có sẵn trong hệ thống (toàn cầu hóa) hay không mà thôi”.

Nói cách khác, toàn cầu hóa chẳng có gì đáng phải khiến run rẩy. Tâm lý sợ hãi chỉ đến khi còn chưa (cố gắng) hiểu kỹ bản chất vấn đề.