"Uy quyền" của thế hệ tiêu dùng trẻ ngày nay

Một thế hệ tiêu dùng trẻ đang hình thành và ngày càng tỏ rõ "uy quyền"


18 thg 12, 2018 | Thư viện Marketing

Gần 60% dân số Việt Nam là những người trẻ ở độ tuổi dưới 30. Một thế hệ tiêu dùng trẻ đang hình thành và ngày càng tỏ rõ "uy quyền" trong việc quyết định xu hướng của thị trường hàng hóa. Bắt kịp nhu cầu của người tiêu dùng trẻ chính là chìa khóa để các doanh nghiệp nắm giữ thị trường trong tương lai.

Trẻ, năng động, dám làm và dám chơi, giàu có và chịu chi hơn thế hệ cha anh - đó là chân dung của lớp thế hệ tiêu dùng trẻ hiện đại tại các đô thị lớn.

Giới trẻ không những xác lập nên một thị trường hàng hóa dành cho nhu cầu của riêng họ mà còn ảnh hưởng đến tâm lý, nhu cầu tiêu dùng của hầu hết các nhóm người tiêu dùng khác trong xã hội. Nói một cách ngắn gọn: họ đang là một thế lực có ảnh hưởng lớn nhất trên thị trường.

Thế hệ nghiện mua sắm

"Shopping nhé!" là câu cửa miệng của nhiều người tiêu dùng trẻ. Với họ, việc đi mua hàng đã chuyển từ nghĩa "cần" sang nghĩa "thích": thích thì mua, đôi khi không quan trọng lắm đến chuyện đắt rẻ. Họ nắm bắt và loan truyền các thông tin về thị trường nhanh chóng hơn các nhóm người tiêu dùng khác nhờ khả năng tiếp cận các phương tiện truyền thông đại chúng và nhất là từ Internet.

Chính vì vậy, họ có khả năng tạo nên những làn sóng tiêu dùng hiện đại. Những nhóm hàng hóa chịu ảnh hưởng mạnh nhất từ "làn sóng trẻ" này là thời trang và phụ kiện, hóa mỹ phẩm, hàng công nghệ, văn hóa phẩm và thực phẩm chế biến sẵn. Và những khuynh hướng tiêu dùng của giới trẻ sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên các nhóm tiêu dùng khác.

Lấy ví dụ: Khuynh hướng thời trang năm nay là gì? Hãy nhìn vào giới trẻ. Rồi sau đó thay đổi một chút về màu sắc, chi tiết, đường nét và kích cỡ sẽ ra sản phẩm cho các nhóm tiêu dùng khác.

Lấy ví dụ khác về hàng kỹ thuật cao: Công nghệ này tân tiến đến đâu? Các tính năng có gì đặc biệt? Kiểu dáng có theo kịp thời đại? Chất lượng có đáng đồng tiền bát gạo không? Nhóm kinh doanh dịch vụ cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ thị hiếu của giới tiêu dùng trẻ: từ dịch vụ ăn uống, giải trí, dịch vụ văn hóa...

Giới tiêu dùng trẻ là người "thẩm định" và lựa chọn. Còn người tiêu dùng thế hệ cha anh có thể là người nắm hầu bao, nhưng nếu không được lòng người trẻ, một sản phẩm có thể bị khai trừ từ trước khi tung ra thị trường.

Thế hệ tiêu dùng hiện nay "giàu hơn" và "chịu chi" hơn những nhóm người tiêu dùng khác trong xã hội. Trẻ nhưng không "ăn bám", người tiêu dùng trẻ năng động tự giác "xông pha" tìm kiếm những nguồn tài chính đáng để thỏa mãn những nhu cầu tiêu dùng cá nhân của mình. Từ đó, người trẻ coi mua sắm là một phần của việc vui chơi giải trí.

Trung bình 1-2 tuần/lần, họ lại đi dạo tìm kiếm mặt hàng và mua. Điểm khác biệt trong thói quen mua sắm của những người dưới 30 tuổi là những loại hàng giá không quá đắt, mỗi lần mua không nhiều, chỉ vài món nhưng lại mua thường xuyên.

Trong khi đó, khách ở độ tuổi trên 35 thì có thể chi tiêu nhiều hơn cho một lần mua sắm nhưng thỉnh thoảng họ mới qua một lần nên nếu tính tổng số tiền thì người tiêu dùng trẻ mới là khách sộp, là đối tượng khách hàng chính của các nhà kinh doanh hiện nay.

Ngay cả tập đoàn thương mại lớn hay những nhãn hàng hiệu nổi tiếng thì giới trẻ cũng vẫn là đích nhắm tới của họ chứ không phải là các bậc phụ huynh có khả năng rút hầu bao.

Những người trẻ khó tính

Nghiện thương hiệu cũng là một đặc tính của lớp người tiêu dùng trẻ. 50% người tiêu dùng trẻ sẵn sàng chi tiền cho các sản phẩm hàng hiệu hoặc hàng chất lượng cao. Chúng "nghiện" thương hiệu cũng sẽ "quy định" sự trung thành với những sản phẩm và dịch vụ mà họ ưng ý. Và với người tiêu dùng trẻ, giá cả đôi khi không phải là yếu tố bận tâm. Họ sẵn sàng chi rất nhiều tiền để được sở hữu những nhãn hiệu nổi tiếng, đơn giản chỉ vì họ hiểu được giá trị của những sản phẩm này.

Thương hiệu vẫn là yếu tố đầu tiên hấp dẫn người tiêu dùng trẻ bởi nó vừa khẳng định được chất lượng sản phẩm, vừa khẳng định được đẳng cấp của người sở hữu. Nhưng một cái tên là chưa đủ! Người tiêu dùng trẻ vẫn đòi hỏi những sản phẩm có tính đa dạng, biến hóa, khác biệt và mới mẻ.

"Có gì mới không?" là câu hỏi thường trực trong đầu những nhà tiêu dùng trẻ. Đó chính là yếu tố để hàng hiệu song hành cùng hàng độc, mà đôi khi giá cả chưa chắc đã là giá trị của những mặt hàng này. Từ ý thức luôn muốn khẳng định mình, người tiêu dùng trẻ rất khó tính khi lựa chọn sản phẩm.

Chất lượng không phải là một tiêu chí để người tiêu dùng trẻ lựa chọn mà họ quan niệm chất lượng cao là một điều đương nhiên. Thiết kế, mẫu mã, kiểu dáng, chất liệu mới là những tiêu chí đầu tiên thu hút người tiêu dùng trẻ (kể cả những sản phẩm kỹ thuật cao).

Tính năng, công dụng và nhất là những tiện ích giá trị gia tăng của sản phẩm cũng hấp dẫn người tiêu dùng trẻ. Kế đến là chất lượng dịch vụ, không gian mua sắm, chế độ hậu mãi và thậm chí là cả thái độ của nhân viên bán hàng...

Người tiêu dùng trẻ ngày càng có khuynh hướng thích mua sắm ở các trung tâm thương mại hiện đại, các siêu thị lớn hơn là trong các chợ truyền thống. Theo họ, chất lượng sản phẩm và dịch vụ ở siêu thị tốt hơn, ổn định hơn và nhất là không phải trả giá (dù giá cả có cao hơn bề ngoài).

Người tiêu dùng trẻ biết rõ mình là ai trong toàn bộ hệ thống thương mại và họ có đủ tự tin trong tiêu dùng. Họ sẵn sàng khiếu nại và bày tỏ quan điểm của mình khi gặp phải sản phẩm hay dịch vụ kém chất lượng.

Người tiêu dùng trẻ còn có khả năng tạo nên một "làn sóng" tẩy chay một loại hàng hóa hoặc một nhãn hiệu nòa đó chỉ bằng một câu kêu ca tại một forum trên internet.

Chúng tôi chọn hàng Việt Nam

Không phải ai khác mà chính thế hệ tiêu dùng trẻ là những người cổ súy cho làn sóng người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Vấn đề là ở chỗ, các thương hiệu hàng hóa và dịch vụ trong nước đã thỏa mãn được nhu cầu và yêu cầu của họ hay chưa mà thôi.

Chính thế hệ tiêu dùng trẻ chứ không phải ai khác đã tạo ra những làn sóng cà phê Trung Nguyên, bút bi Thiên Long, lụa Thái Tuấn, thời trang Nino Maxx, di động Viettel... hay những trào lưu hàng hóa theo phong cách rock, hip-hop, hệ thống cửa hàng, dịch vụ For Teen... 80% lượng khách hàng đến với những hội chợ thương hiệu mạnh hay hàng Việt Nam chất lượng cao là những người tiêu dùng trẻ ở độ tuổi dưới 30.

Người tiêu dùng trẻ không còn là đối tượng "tiềm năng" mà chính là những con gà đẻ trứng vàng cho các doanh nghiệp hướng tới thị trường nội địa bằng những sản phẩm có chất lượng và theo kịp thời đại. Dễ nhận ra nhất là trong lĩnh vực thời trang. Cơ cấu doanh nghiệp thu hàng hóa cho người trẻ đang chiếm đến 80% tổng doanh thu trong nước của nhiều doanh nghiệp ngành dệt may.

Người trẻ chiếm tổng số đông nên các gu, các sở thích của họ sẽ bị chi phối và ảnh hưởng đến gu của người ở những độ tuổi khác. Người tiêu dùng trẻ cũng đang đóng vai trò quyết định trong việc tác động để nhà sản xuất tung ra các dòng sản phẩm, những chiến dịch quảng cáo, truyền thông mới: từ ô tô, xe máy, điện thoại di động, đến nước hoa, kem dưỡng da, sữa rửa mặt, thậm chí bánh kẹo, nước trái cây...

Thế nhưng, người tiêu dùng trẻ cũng sẵn sàng quay lưng lại với các sản phẩm, dịch vụ và các các kênh phân phối hàng hóa trong nước vì chất lượng, phong cách, sự đa dạng và nhất là khả năng kịp thích ứng của các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ trong nước.

Đừng trách giới trẻ sính dùng hàng ngoại, thích hàng lậu, dịch vụ lậu khi hàng hóa, dịch vụ trong nước vừa tệ, vừa đắt, vừa không cho giới trẻ cái quyền được phản hồi, nêu ý kiến, nói tiếng nói của mình.

Sau 10 năm nữa, dân số Việt Nam vẫn sẽ là dân số trẻ. Và những người tiêu dùng trẻ của ngày hôm nay có thành một lượng khách hàng trung thành khổng lồ và có khả năng định hướng tiêu dùng cho một thế hệ kế tiếp.

Việc của các nhà kinh doanh là phải dự báo được sự phát triển của các xu hướng trẻ để cung cấp hàng hóa cho kịp với nhu cầu và cả yêu cầu của họ chứ không chỉ kêu gọi suông theo kiểu hô khẩu hiệu "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" như 10 năm về trước nữa. Người tiêu dùng trẻ đã thực tế, và cả thực dụng hơn nhiều