Hội chợ - nâng cao mức độ nhận biết thương hiệu

Hội chợ là một hình thức mở rộng hiệu quả của việc quảng bá, khuyến thị, quan hệ cộng đồng và kinh doanh; suy ra, trưng bày là một cách hữu hiệu để nâng cao mức độ nhận biết thương hiệu. Tất cả những gì tượng trưng cho doanh nghiệp, bất kể lớn nhỏ, đều được phơi bày ra trước công chúng qua những đợt triển lãm.


6 thg 12, 2018 | Kiến thức về marketing

Xây dựng thương hiệu là một khái niệm marketing cơ bản, đựơc vạch ra nhằm giúp phân biệt sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp với các đối thủ cạnh tranh khác. Bằng cách sử dụng tên, hình ảnh, thiết kế hoặc kết hợp tất cả các yếu tố này lại, các doanh nghiệp có thể tạo nên cho mình một thương hiệu mang bản sắc độc đáo. Có 5 yếu tố cần quan tâm khi chọn tên thương hiệu:

      Thể hiện được lợi ích khi mua sản phẩm

      Phải đơn giản, dễ nhớ và độc đáo.

      Phải phù hợp với hình ảnh của công ty.

      Phải mang ý nghĩa tích cực đối với thị trường mục tiêu.

      Phải dễ phát âm và dễ hình dung.

Xây dựng thương hiệu không phải là một mánh lới quảng cáo hay một cách để chèo kéo doanh thu, ngược lại, đó là một quá trình định hình và rèn luyện văn hoá và bản sắc doanh nghiệp. Một thương hiệu phải mang ý nghĩa đối với khách hàng, tổ chức và nhân viên; đó là sợi dây liên kết giữa doanh nghiệp và khách hàng. Thương hiệu là cái khách hàng có khi mua một sản phẩm hoặc sử dụng một dịch vụ của doanh nghiệp. Phần quan trọng nhất cấu thành nên bản sắc thương hiệu chính là lời cam kết của thương hiệu với khách hàng. Yếu tố cốt lõi trong xây dựng thương hiệu chính là sự đơn giản và khả năng trường tồn.

Hội chợ là một hình thức mở rộng hiệu quả của việc quảng bá, khuyến thị, quan hệ cộng đồng và kinh doanh; suy ra, trưng bày là một cách hữu hiệu để nâng cao mức độ nhận biết thương hiệu. Tất cả những gì tượng trưng cho doanh nghiệp, bất kể lớn nhỏ, đều được phơi bày ra trước công chúng qua những đợt triển lãm. Chính vì thế sự chặt chẽ và nhất quán trong tổ chức là những yếu tố cần quan tâm trước, trong và sau khi diễn ra đợt trưng bày.

Để tổ chức thành công một đợt hội chợ và nâng cao được mức độ nhận biết thương hiệu, các doanh nghiệp nên xem xét các vấn đề sau:

      Sự thống nhất chặt chẽ là yếu tố quan trọng nhất trong việc tạo nên sự nhận biết thương hiệu. Khách hàng chỉ chọn những thương hiệu nào họ biết và tin tưởng. Thương hiệu là lời cam kết của doanh nghiệp với khách hàng. Sự thống nhất của tất cả mọi yếu tố truyền thông làm nên một kế hoạch xây dựng thương hiệu hoàn chỉnh.

      Đảm bảo tất cả mọi công cụ xây dựng thương hiệu, quảng bá, khuyến thị đều phải nhất quán, bao gồm đầy đủ logo, tên, màu sắc, kiểu chữ, khẩu hiệu; tất cả mọi thứ đều phải đồng bộ với nhau.

      Nhận định của người khác về doanh nghiệp, sản phẩm/dịch vụ là yếu tố quyết định sự lựa chọn thương hiệu và hành vi tiêu dùng của họ. Tất cả mọi sự nhận định đều mang tính chủ quan và dựa vào sự trải nghiệm. Mỗi người thường có xu hướng đánh giá dựa vào quan điểm, niềm tin, thái độ, nhu cầu và tâm trạng.

Sau đây là 10 điểm các doanh nghiệp cần thực hiện và kiểm tra cẩn thận khi bắt tay vào thực hiện một đợt trưng bày:

  1. Cần phải làm gì để đảm bảo rằng gian hàng của mình thể hiện được sự thống nhất, rõ ràng và tập trung về hình ảnh công ty và thương hiệu?

Nên xét đến những yếu tố:

      Kích cỡ gian hàng

      Vị trí

      Hình ảnh

      Cách trang trí

      Đội ngũ nhân viên

      Tờ bướm và các tặng phẩm

      Quản lý

  1. Hình ảnh minh hoạ thế nào là tốt nhất?

      Dễ nhìn và có thể đọc được trong vòng 3 giây

      Sử dụng kiểu chữ đậm, đơn giản

      Hình ảnh độc đáo, nổi bật

      có thể nhớ ngay

      Có hình dạng và kích cỡ độc đáo

      Góp phần nhấn mạnh thông điệp của doanh nghiệp

      Thể hiện ý tưởng của thông điệp một cách mạch lạc

      Nêu ý tưởng theo kiểu “sử dụng sản phẩm này có lợi gì?”

      Màu sắc rõ ràng

  1. Nên sử dụng những hoạt động gì để tăng cường mức độ nhận biết thương hiệu?

      Thư mời cá nhân

      Gởi thư trực tiếp

      Quảng cáo trước khi trưng bày: các phương tiện báo đài, website, bảng quảng cáo, …

      Quảng cáo trong lúc triển lãm: catalogue, bảng hiệu quảng cáo, quảng cáo qua tivi tại nơi trưng bày, biểu ngữ, các kênh truyền hình…

  1. Nên thực hiện những hình thức quan hệ cộng đồng nào?

      Trước khi trưng bày: thông báo trên các báo đài, đăng thông tin về các ứng dụng của sản phẩm/lợi ích của dịch vụ, gởi thư mời cá nhân đến trưởng ban biên tập các báo, thư báo cho các công ty…

      khi trưng bày: tập thông tin cho các báo, tổ chức đón tiếp các báo, thuyết trình giới thiệu tại gian hàng, hội thảo, thi tài, có đại diện tại gian hàng…

  1. Nên áp dụng những hình thức nào để có thể củng cố cho hình ảnh của công ty? Một số hình thức thường được áp dụng: họp báo, trao giải, ăn trưa, bảng hiệu, màn hình, xe luân chuyển, túi xách…

  1. Cách thức quảng cáo nào thích hợp với hình ảnh thương hiệu và thông điệp cần chuyển tải? nên cân nhắc: ngân quỹ, tính độc đáo, hữu ích đối với khách hàng mục tiêu, hình thức thực hiện…

  1. Ai sẽ là người đại diện tốt nhất cho công ty và những ai sẽ có mặt tại gian hàng?

  1. Những người này sẽ được huấn luyện đào tạo như thế nào? nên cân nhắc: kiến thức, hành vi ứng xử, kỹ năng giao tiếp, sự tận tụy…

  1. Trang phục phải được quy định thế nào để thể hiện được hình ảnh của công ty?

  1. Những gì nên được thực hiện sau khi trưng bày?

Các doanh nghiệp nên ghi nhớ rằng xây dựng thương hiệu là một quá trình, một hệ thống giúp duy trì và nuôi dưỡng những mối quan hệ với khách hàng. Vì lẽ đó, sự thống nhất, minh bạch và tập trung ở mọi khía cạnh trước, trong và sau khi diễn ra buổi trưng bày là những yếu tố thiết yếu nhất.