Văn hóa công ty chưa thể vượt biên giới

Một trong những động cơ to lớn dẫn đến toàn cầu hoá là sự phát triển của các công ty xuyên quốc gia thông qua việc sáp nhập, thâu tóm công ty, liên doanh hay mở chi nhánh. Nhiều người cho rằng những sự ráp nối sẽ tạo ra một văn hoá doanh nghiệp tiêu chuẩn hoá, một thứ ngôn ngữ chung của người lao động quốc tế. Thế nhưng, chẳng những sự va chạm văn hoá vẫn còn đó, mà còn có dấu hiệu gia tăng.


Một giáo sư về quản trị kinh doanh của trường Đại học Harvard đã phát biểu “Không có một công thức nào để xuất khẩu một mô hình quản lý từ nước này sang nước khác. Mọi trường hợp đều rất khác nhau. Thường thì vấn đề bắt nguồn từ sự hình thành cơ cấu tổ chức. Một công ty Mỹ được tổ chức rất bình đẳng, không có nhiều cấp bậc - chỉ khoảng 4 hoặc 5 cấp là cùng. Nếu mang mô hình tổ chức này đến Trung Quốc thì sẽ không thực hiện được. Từng nhóm người tự phát hình thành tôn ti, trật tự riêng. Khoảng cách rộng đến nổi chỗ này có thể xem như bình đẳng, nhưng lại tỏ ra độc đoán ở chỗ khác.”

Ngoài cơ cấu tổ chức, hình thức động viên người lao động cũng rất khác biệt. Khu vực các nước Anglo-Saxon hay Bắc Âu có khuynh hướng thiên về cá nhân, trong khi khu vực châu Á và châu Mỹ La Tinh lại thiên về tập thể. Do đó, nếu đặt vấn đề thành tích cá nhân ở nơi mà người ta quan tâm đến tập thể là một sai lầm.

Quan hệ công tác hàng ngày cũng có thể là nguồn gốc của sự va chạm về văn hoá. Một công nhân người Philippines làm việc trong ngành bán dẫn cho một công ty Nhật đóng tại Frankfurt, trong nhiều năm đã là thuộc cấp của các sếp từ Pháp, Đức Nhật và Tây Ban Nha. Ai cũng nói được tiếng Anh, nhưng do khác biệt về văn hoá cho nên có nhiều đồng sự trong công ty đòi nghỉ việc. Hãy nghe người công nhân này phân tích: “Hiện nay chúng tôi đang gặp khó khăn vì phần lớn các đồng sự của tôi là người Đức và chúng tôi đã quen công việc với sự chỉ huy của một người Đức. Gần đây, một sếp người Tây Ban Nha đã được điều đến và mọi việc đều khác đi. Cách điều hành công việc không được các công nhân người Đức tán thành. Người Đức rất thẳng tính, trong khi sếp Tây Ban Nha có thể nói điều gì đó làm dịu một sự tranh luận nhưng lại hành động hoàn toàn khác.”

Sự xung đột có thể bắt nguồn từ công cụ làm việc. Thí dụ như phần mềm Microsoft rất thông dụng trên khắp thế giới nhưg đối với một số công tác việc áp dụng có thể khác nhau. Công ty Nhật này đang áp dụng một loại phần mềm riêng của Nhật nhưng có một giám đốc phụ trách hành chính người Đức lại cho rằng phần mềm SAP tốt hơn (SAP là công ty sản xuất phần mềm của Đức).

Nhật Bản là một trường hợp điển hình lý thú vì Chính phủ Nhật muốn đưa mô hình quản lý phương Tây vào các công ty nội địa để thu hút đầu tư nước ngoài nhưng chưa thành công. Người Nhật hy vọng rằng khi vốn tư bản chảy vào thì sẽ tạo ra một ảnh hưởng kèm theo. Trên thực tế, vốn tư bản vẫn đang chảy vào mà mô hình quản lý vẫn không đi theo.

Các công ty lớn của Nhật hình như đang phân chia thành hai nhóm: một nhóm với các công ty như Nissan và Sony chấp nhận mô hình tuyển dụng các tổng giám đốc người nước ngoài, trong khi nhóm kia gồm các đại công ty truyền thống như Mirsubishi và Sumitomo thì lại giữ mô hình quản lý theo kiểu Nhật.

Trong khi người Nhật vẫn chưa có thiện cảm với việc thâu tóm công ty từ nước ngoài thì lại sẵn sàng chấp nhận có sếp là người nước ngoài. Hiện nay, các sinh viên mới ra trường dễ chấp nhận làm việc cho công ty nước ngoài như Morgan Stanley hơn trước đây. Vấn đề là trình độ Anh ngữ của họ còn kém, ngay cả khi so sánh với một số nước châu Á khác.

Đối với nhiều công ty tại các nước đang phát triển, áp lực chạy theo các tiêu chuẩn phương Tây rất nặng mà khó khăn lớn nhất là vấn đề đạo đức của công ty

Tuy nhiên, cũng nhờ khuynh hướng toàn cầu hoá của công ty mà nhiều trường hợp trở nên rất đơn giản, không phức tạp như nhận định ban đầu. Trong tháng này, BASF - một công ty hoá chất lớn của Đức mua lại công ty Engelhard, chuyên về kim khí và vật tư đóng tại New Jersey. Mỗi công ty đều có văn hoá công ty riêng, nhưng cả hai đều là công ty toàn cầu, có mặt tại nhiều nơi trên thế giới.